Cây chè vằng là dược liệu mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như chữa bệnh cao huyết áp, giúp điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp giảm cân, chữa mất ngủ,… Loại cây này thường mọc hoang ở một số khu vực miền núi và trung du ở nước ta, hiện nay cũng được thu hái và bán rộng rãi trên thị trường.
Thông tin về cây chè vằng
Cây chè vằng vốn là dược liệu quen thuộc được thu hái và sơ chế để sử dụng hỗ trợ chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe. Ngoài tên gọi chè vằng, loại cây này có nhiều tên gọi khác như chè cước man, cẩm vân, mỏ sẽ, mỏ quạ, dây vắng,… Tên khoa học là Jasminum Subtriplinerve, thuộc họ Ô liu (Oleaceae).
Cây Vằng Sẻ Thiên Nhiên Bometa
Đặc điểm dược liệu
Cây chè vằng thường sinh trưởng từng bụi nhỏ, tập trung nhiều ở vùng núi. Hình thái tương tự như một số loại cây khác nên dễ bị nhầm lẫn. Theo đó, loại cây này có thân mảnh, cứng, có thể vươn dài hàng chục mét. Trên thân cây chia thành nhiều đốt, vỏ bên ngoài nhẵn nhụi, có màu xanh.
Lá cây chè vằng thường mọc đối xứng với nhau, hình bầu dục, đầu lá thuôn dài nhìn như hình lưỡi mác, không có lông tơ. Mặt lá nổi rõ 3 gân sọc bên trên và 2 gân ở cuống cong theo đường mép lá. Khi cây càng mọc cao, lá cũng nhỏ dần.
Cây chè vằng ra hoa có màu trắng, chúng thường mọc từ đầu cành, hoa có 10 cánh. Quả mọng hình cầu, bên trong chứa hạt, kích cỡ nhỏ như hạt bắp, khi chín có màu vàng.
Phân loại và hình ảnh
Cây chè vằng được thu hái chia thành 3 loại dựa trên hình dạng của lá cây. Cụ thể:
– Cây chè vằng sẻ:
Chè vằng có lá nhỏ, chứa hàm lượng dược tính cao nên được đánh giá là loại tốt nhất trong 3 loại. Phần lá nhỏ và mỏng, khi khô vẫn giữ được màu xanh nhạt, thơm, nấu nước có màu xanh nhạt.
– Cây chè vằng trâu:
Loại này có lá to, hàm lượng dược tính thấp hơn so với loại chà vằng sẻ, tuy nhiên vẫn dùng được nhưng không được ưu tiên nhiều trong chữa bệnh. Trên lá có nhiều vằng sẻ, thân cây cũng to hơn, lá khi khô lại không có màu xanh nhạt mà là màu nâu. Đun nước nấu có màu nâu sẫm và thường không có mùi thơm.
Cây chè vằng núi:
Chúng thường sinh trưởng ở các vách núi cao, địa hình hiểm trở. Bên cạnh đó, tuy gần giống hình dạng của cây chè vằng sẻ nhưng loại này thường không có dược tính chữa bệnh. Do đó, người ta ít sử dụng chè vắng núi.
Phân biệt
Cây chè vằng có hình dạng gần giống với cây lá ngón, loại cây chứa nhiều độc tố. Chính vì thế nhiều người nhầm lẫn, ăn phải bị ngộ độc chết người. Để phân biệt hai loại cây này cần phải dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết các dược liệu thiên nhiên.
Theo đó, dân gian lưu truyền cách phân biết cây chè vằng và cây lá ngón thông qua các đặc điểm từ hoa, lá, quả như:
- Cây là ngón không có 3 gân dọc ở trên lá, trong khi đó lá chè vằng hiện rõ 3 đường gân này.
- Hoa của chè vằng có 10 cánh, màu trắng, ngược lại lá ngón có hoa màu vàng, mọc thành chùm 2 – 3 nhánh.
- Về phần quả, cây chè vằng có quả mọng, bên trong có 1 hạt, khi chín có màu vàng. Trong khi đó quả của lá ngón có hình trụ, tự mở khi chín, có nhiều hạt bên trong (40 hạt), diềm mỏng và có thể phát tán theo chiều gió.
Do lá ngón là loại cây cực độc có thể gây chết người nên khi thu hoạch chè vằng, bạn cần hết sức chú ý. Thận trọng để tránh hái nhầm và sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Phân bố
Như các bạn đã biết, cây chè vằng mọc hoang ở nhiều nơi, nhất là khu vực trung du và miền núi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình,… Cây có sức sinh trưởng mạnh mẽ, thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Thường được tìm thấy ở những bìa rừng, đồi trọc, bên cạnh các cây to và chúng thường xanh tốt quanh năm.
Do nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên việc thu hái cây chè vằng từ tự nhiên ngày càng nhiều. Số lượng cây tự mọc không đáp ứng đủ mức độ cung ứng cho thị trường. Chính vì thế, một số địa phương hiện nay đã chủ động nhân giống, nuôi trồng cây theo phương thức trồng cây con, gieo bằng hạt.
Nhờ có tính sinh trưởng mạnh mẽ, khả năng thích nghi tốt nên cây chè vằng rất dễ trồng. Cây và rễ sau 3 tháng trồng có sức phát triển tốt, không cần tốn quá nhiều công sức chăm sóc đặc biệt như một số loại cây khác.
Thu hoạch và sơ chế
Chè vằng có thể thu hái quanh năm, bộ phận được thu hái thường là thân cành, lá cây. Người thu hoạch sẽ chọn những cây đã trưởng thành, hái những lá không bị sâu, hư hỏng. Có thể sử dụng chè vằng mới hái tươi làm thuốc hoặc bào chế thành dạng phơi khô, viên nén,… để bảo quản được lâu. Chẳng hạn:
- Dược liệu tươi: Cành, lá của cây chè vằng được rửa sạch sau đó chặt thành từng khúc, nấu cùng với nước để uống.
- Dược liệu khô: Cây tươi sau khi thu hoạch làm sạch, sau đó chặt đoạn nhỏ rồi phơi sấy cho khô hoặc sao vàng, bảo quản trong lọ có nắp đậy sử dụng dần. Loại này thường được dùng hãm với nước sôi hoặc sắc nấu nước uống.
- Cao chè vằng: Lá chè vằng được thu hái, rửa sạch rồi đun nấu thành cao. Thời gian nấu khoảng 3 ngày 3 đêm, thu được thành phẩm ở dạng cao đặc, bảo quản và sử dụng dần.
- Viên nén: Được bào chế từ thân cành, lá với công nghệ hiện đại.
Thành phần hóa học
Cây chè vằng chứa các thành phần hóa học đặc trưng như Ancaloid, Flavonoid, Glycoxit. Các chất mang lại công dụng tốt đối với sức khỏe, cụ thể.
- Ancaloid: Có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, trị huyết áp cao, giúp kháng khuẩn, tác động đến hệ thần kinh trung ương.
- Flavonoid: Ngăn quá trình oxy hóa, chống độc, bảo vệ gan.
- Glycoxit: Cải thiện tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Tác dụng của cây chè vằng
Theo Y học cổ truyền:
Đông y ghi chép nhiều tác dụng từ cây chè vằng, chẳng hạn nhưu giúp thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt, tiêu viêm, trừ mủ. Do đó được sử dụng trong hỗ trợ nhiều bệnh lý liên quan đến huyết áp, bế kinh, đau bụng kinh, phụ nữ sau sinh bị nhiễm khuẩn, viêm tử cung, tuyến vú,… Ngoài ra, chè vằng còn được dùng làm dược liệu chữa bệnh ngoài da, bệnh xương khớp,…
Theo Y học hiện đại:
Các hoạt chất có trong chè vằng giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu,… Ngoài ra còn giúp loại bỏ trực khuẩn thương hàn, Shigella Dysenteriae, trực mủ khuẩn xanh,…
Qua các nghiên cứu lâm sàng, cây chè vằng được dùng trong công tác dự phòng và điều trị tình trạng nhiễm khuẩn cho phụ nữ sau khi bị tắt tia sữa dẫn đến nhiễm khuẩn hoặc áp xe vú. Bên cạnh đó một vài thí nghiệm trên chuột cống trắng cho thấy loại dược liều còn giúp chống viêm, hạ sốt, làm vết thương nhanh lành và hỗ trợ ngăn nguy cơ viêm loét dạ dày.
Liều dùng cây chè vằng
Sử dụng với liều dùng phù hợp giúp đảm bảo sức khỏe và đạt được hiệu quả chữa trị tốt nhất. Theo đó, khuyến cáo người dùng mỗi lần nên sử dụng từ 40g – 100g chè vằng tươi, loại khô từ 20g – 30g. Có nhiều cách dùng như pha trà, nấu nước uống, nấu nước tắm hoặc đắp trực tiếp lên vết thương.
Cách sử dụng cây chè vằng
Dùng cây chè vằng hỗ trợ điều trị bệnh được nhiều người quan tâm và áp dụng. Hiện nay có nhiều bài thuốc sử dụng dược liệu này. Trong đó chẳng hạn như dùng chè vằng trị đau bụng kinh, giải độc và duy trì chức năng gan, chữa mất ngủ, chán ăn,… Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến:
– Chữa đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt khiến phụ nữ lo lắng bất an. Các triệu chứng thường gặp như đau bụng kinh, chậm kinh, kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít bất thường, nhiều khí hư,… Sử dụng nước chè vằng hoặc cao chè vằng có tác dụng hỗ trợ khắc phục các triệu chứng kể trên. Sử dụng theo hai cách như sau:
- Cách 1: Dùng 1kg cành lá chè vằng tươi, rửa sạch sau đó phơi khô. Cho lá chè vằng vào nồi nấu cùng với 3 lít nước trong khoảng 4 tiếng. Sau đó chắt lấy 2 lít nước, tiếp tục nấu thêm 2 tiếng. Trộn 2 lần nước nấu lại với nhau, đun đến khi nước cô đặc lại thành cao. Mỗi lần dùng, chỉ cần lấy ra khoảng 1g – 2g cao chè vằng pha với nước ấm uống đều đặn mỗi ngày.
- Cách 2: Dùng khoảng 20g chè vằng khô, kết hợp cùng với 16g mỗi vị hy thiêm khô, ích mẫu và 8g ngải cứu. Sau khi rửa sạch, cho tất cả vào nồi sắc với 400ml nước, đến khi cạn còn 100ml chắt nước ra uống hết trong ngày.
– Cho phụ nữ sau sinh
Giúp lợi sữa, thông tắc tia sữa
Phụ nữ sau khi trải qua quá trình sinh nở dễ gặp các vấn đề như tắc tia sữa, rối loạn kinh nguyệt, thừa cân,… Chính vì thế, để khắc phục các vấn đề này, từ lâu ông bà ta đã sử dụng các dược liệu thiên nhiên chữa trị, trong đó có cây chè vằng.
Ở một số nơi, người ta còn gọi loại cây này là cây tiết sữa do những lợi ích mà nó mang đến cho phụ nữ sau sinh. Các bài thuốc như sau:
- Chữa sưng vú, tắt tia sữa: Dùng 30g chè vằng nấu với nước uống mỗi ngày. Ngoài ra, để tăng hiệu quả bạn dùng chè vằng giã nát đắp trực tiếp lên vú.
- Chữa áp xe vú: Sử dụng chè vằng tươi rửa sạch kỹ rồi giã nát, đắp lên khu vực bị áp xe. Bên cạnh đó bạn cũng có thể trộn thêm cồn 50 độ C để đắp giúp giảm tình trạng áp xe vú hiệu quả. Mỗi ngày thực hiện 5 lần, 3 lần vào ban ngày, 2 lần vào ban đêm.
Giúp ngăn ngừa viêm nhiễm sau sinh ở phụ nữ
– Chữa các vấn đề về gan
Nhờ có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc tốt nên cây chè vằng được sử dụng trong hỗ trợ khắc phục các vấn đề như nóng gan, đào thải độc tố cho gan, giúp chữa gan nhiễm mỡ, ổn định và duy trì chức năng gan,… Bạn có thể lấy chè vằng sắc nấu nước uống, trong khoảng 1 tháng cơ thể sẽ có chuyển biến tích cực. Ngoài ra cũng có thể kết hợp theo bài thuốc:
- Kết hợp với ngấy hương 20g, chè vằng 20g sắc lấy nước uống hàng ngày giúp chữa tình trạng vàng da.
- Kết hợp 12g chè vằng với 20g nhân trần cùng 12g mỗi vị như chi tử, lá mua, vỏ núc nác, rau má, vỏ dại, lá bồ cu vẽ, 8g thanh bì. Sắc lấy nước uống mỗi ngày giúp nhuận gan,
– Cải thiện giấc ngủ, ăn ngon miệng
Nước sắc từ lá chè vằng được nhiều người sử dụng với mục đích giải độc, mát gan, cải thiện giấc ngủ và kích thích ăn ngon miệng hơn. Do có tính mát, chứa nhiều hoạt chất tốt cho cơ thể. Nhiều người sắc uống nước chè vằng trở thành thói quen không thể thiếu.
Cụ thể, loại dược liệu này chứa Glycozit, đây là chất khiến cho nước chè vằng đắng hơn so với các dược liệu khác. Cũng nhờ đó, vị giác bị kích thích, giúp bạn cảm nhận đồ ăn ngon miệng hơn, ngoài ra còn cải thiện tình trạng khó tiêu. Trường hợp mất ngủ kinh niên cũng có thể sử dụng dược liệu này.
Do đó bạn có thể sử dụng lá chè vằng sắc nấu nước uống mỗi ngày. Dùng lá tươi hoặc lá khô đều được. Sử dụng nước nấu trong ngày, tránh dùng nước để qua đêm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả điều trị. Nhất là trường hợp nước bị ôi thiu gây ngộ độc, đau bụng.
– Chữa rắn cắn, mụn nhọt
Chè vằng được dùng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý ngoài da như mụn trứng cá, vết thương do rắn cắn, trầy xước,… Sử dụng theo các sau:
- Trị mụn: Dùng rễ cây chè vằng ngâm nước muối loãng, rửa sạch sau đó mài với giấm thanh, đắp trực tiếp lên da bị mụn.
- Chữa rắn cắn, vết thường hở: Hái lá chè vằng sau khi rửa sạch cho vào ấm nấu lấy nước uống và rửa vết thương.
- Chữa đứt tay, trầy xước, côn trùng cắn: Dùng lá rửa sạch sau đó nấu lấy nước để vệ sinh vết thương, kích thích kéo da non.
– Chữa bệnh răng miệng
Chất trong chè vằng giúp làm sạch, chữa đau răng, diệt khuẩn, giảm tình trạng viêm nhiễm răng miệng, giúp hơi thở thơm tho và làm trắng răng. Bài thuốc thực hiện đơn giản, bạn dùng lá chè vằng tươi rửa sạch sau đó ngâm với nước muối pha loãng. Tiếp đến lấy lá chè vằng nhai trực tiếp, ngậm trong khoảng 20 phút rồi nhả bỏ bã, súc miệng bằng nước sạch.
– Phòng bệnh ung thư
Các chất có trong loại dược liệu này có tác dụng hỗ trợ phòng bệnh ung thư. Đặc biệt là chất Flavonoid giúp chống oxy hóa, thải độc cho cơ thể. Theo đó, bạn có thể sử dụng nước chè vằng mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và ngừa ung thư. Để tăng hiệu quả có thể kết hợp thêm các dược vị khác.
Tác dụng của chè vằng giúp giảm cân
– Hỗ trợ giảm cân từ cây chè vằng
Sử dụng nước nấu từ lá chè vằng giúp thúc đẩy quá trình tiêu mỡ trong cơ thể, giảm lượng mỡ thừa, kích thích thức ăn tiêu hóa tốt hơn. Do đó, nhiều người đã dùng loại dược liệu này để cải thiện vóc dáng, đặc biệt là những mẹ sau khi sinh. Không chỉ giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể, dùng lá chè vằng còn giúp giảm mỡ, tăng tiết sữa.
– Tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi
Người cao tuổi dùng trà nấu từ lá chè vằng mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe, tăng cương sức mạnh cho gân cốt, cải thiện tuần hoàn máu, hệ tim mạch. Ngoài ra trà còn giúp người già ngủ ngon giấc hơn, giảm suy nhược thần kinh, ổn định huyết áp,…
Lưu ý khi sử dụng cây chè vằng
Mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cây chè vằng được thu hoạch rộng rãi nhầm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên thị trường. Mặc dù vậy, việc sử dụng dược liệu nên thực hiện đúng cách, phù hợp để giảm nguy cơ gặp phải các rủi ro không mong muốn. Một số vấn đề cần lưu ý như:
- Sử dụng nước nấu lá chè vằng tốt nhất là khi còn ấm để dược tính thẩm thấu hiệu quả hơn. Bạn nấu nước và dùng bình giữ nhiệt để bảo quản sử dụng dần, tuy nhiên không dùng nước chè đã để qua đêm.
- Uống với liều lượng vừa đủ, không nên lạm dụng. Trường hợp quá liều vẫn có khả năng phát sinh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Tránh dùng đối với phụ nữ đang mang thai. Bởi, dược chất trong chè vằng có thể kích thích khiến tử cung co bóp dữ dội hơn, dọa sinh non, sảy thai nguy hiểm.
- Không nên dùng chè vằng cho trẻ em dưới 2 tuổi và những đối tượng bị huyết áp thấp, người dị ứng với chè vằng hoặc các loại thảo mộc khác, người cơ thể hàn lạnh cũng nên hạn chế. Tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trên đây là những thông tin về cây chè vằng, cũng như công dụng và cách dùng phổ biến của loại dược liệu này. Bạn có thể tham khảo và chọn lựa vị thảo dược phù hợp với nhu cầu sức khỏe.